DUYÊN 93
Thứ sáu - 01/07/2022 21:54

Những yêu cầu và lưu ý trong thiết kế bản tin đồ họa

Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu: Những yêu cầu của một bản tin đồ họa và một số lưu ý về màu sắc trong thiết kế bản tin đồ họa.

>>Bài 1: ĐẶC TRƯNG, THÀNH PHẦN CỦA MỘT BẢN TIN ĐỒ HỌA (INFOGRAPHIC): Bấm xem

YÊU CẦU CỦA MỘT BẢN TIN ĐỒ HỌA

Nội dung của một bản tin đồ họa yêu cầu phải ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, thông tin đảm bảo tính kịp thời, khách quan. Có như vậy, mới phù hợp với tập quán thông tin của thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một khoảng thời gian ngắn, độc giả vẫn có thể tiếp cận được một hàm lượng thông tin khái quát nhất, với chất lượng cao nhất. Đồng thời, tạo sự thu hút và tăng tính cạnh tranh thông tin với các cơ quan, đơn vị truyền thông khác. Do đó, độ dài một bản tin đồ họa chỉ khoảng từ 60 đến 300 chữ, càng cô đọng, ngắn gọn càng hấp dẫn. Thông tin phải có sự sắp xếp khoa học, hợp lý về các chi tiết của một sự kiện, hoặc nhóm tuyến nội dung; không lan man, vòng vo; câu chữ rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc, không ẩn dụ hay dùng từ đao to búa lớn. Trong một bản tin đồ họa, không nên “quá tải” với một khối lượng văn bản khổng lồ, vì “ma trận thông tin” như thế sẽ làm cho người đọc cảm thấy choáng ngợp, rối rắm, nhàm chán và mỏi mắt.
 
Anh 1 (2)
Khi nói đến bản tin đồ họa có nghĩa là chúng ta đang khai thác lợi ích tối đa của hình ảnh thay cho cách diễn đạt toàn là văn bản thuần túy. Điều này có nghĩa là bản tin đồ họa chính là bản sao của văn bản được diễn đạt bằng hình ảnh, chúng ta đang truyền tải nội dung văn bản bằng những tín hiệu hình ảnh đã có sẵn. Tuy nhiên, không có nghĩa bản tin đồ họa toàn là hình ảnh, biểu đồ, biểu tượng và một vài dòng thông tin giải thích vắn tắt, khô khan, hời hợt. Bản tin đồ họa cần có sự bài trí hài hòa, sắp xếp khoa học, hợp lý, logic giữa văn bản với hình ảnh, biểu đồ minh họa. Nếu cần thiết, chúng ta nên viết một vài lần nội dung định trình bày ra bản thảo và cắt giảm những gì có thể, cho đến khi chốt lại một cách hợp lý nhất.

Tuy ngắn gọn nhưng bản tin đồ họa cũng phải phản ánh đầy đủ những thông tin cốt lõi cần truyền tải để người đọc không còn thắc mắc, mơ hồ về sự kiện, thông tin mà chúng ta đưa ra. Muốn vậy, nội dung khi viết hoặc biên soạn phải có sự lựa chọn chỉn chu, khắt khe để tóm lược được những chi tiết chính, quan trọng nhất trong toàn bộ khối dữ liệu thô phức hợp. Giống như thông tin báo chí, nội dung bản tin đồ họa tuyệt đối không được giả định, hư cấu, tô hồng, làm sai lệch so với thông tin ban đầu; thông tin phản ánh phải đúng sự thật, chính xác, có sự kiểm chứng và đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chính thống. Nếu đưa thông tin sai là phải đính chính và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị xuất bản ra bản tin đồ họa.

Bên cạnh đó, bản tin đồ họa còn đòi hỏi tính kịp thời, tương tự như tính thời sự của bất kỳ bản tin báo chí nào; đưa tin vào thời điểm sớm nhất có thể nếu không muốn bản tin của chúng ta vừa phát hành đã bị chìm sâu vào quên lãng. Yếu tố thời sự còn mang tính cạnh tranh nghề nghiệp, cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan, đơn vị tuyên truyền với nhau. Ngoài đảm bảo tính thời sự, nội dung bản tin đồ họa cũng đề cao tính khách quan, nghĩa là sự việc, sự kiện trình bày không thiên vị, xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhưng vẫn đảm bảo mục đích rõ ràng (phản ánh sự vật, sự kiện, hiện tượng luôn dựa vào thực tiễn khách quan). Chúng ta luôn cố gắng càng khách quan càng tốt, không đưa ra ý kiến, chính kiến, bình luận cá nhân và thái độ nhận xét phiến diện trong bản tin đồ họa.

Thêm một lưu ý nữa, trước khi độc giả tiếp cận bản tin đồ họa, họ thường đọc phần giới thiệu mở đầu bản tin (sapô/chapeau), nếu sapô kém hấp dẫn chắc chắn sẽ không “giữ chân” được độc giả đến cuối bản tin. Phần này càng ngắn gọn càng tốt, nhiều nhất cũng chỉ 30 từ trở lại để cung cấp cho bạn đọc về chủ đề mà chúng ta sắp truyền tải. Sapô cung cấp bối cảnh, thông tin chính yếu/cốt lõi, nhắc lại thông tin/gợi nhớ sự liên tưởng tới những thông tin đã có từ trước và thông báo cho người đọc về những gì sắp xảy ra tiếp theo. Khi viết lời giới thiệu, hãy chọn những từ đắt giá và sắp xếp, diễn đạt theo một văn phong súc tích, hấp dẫn.

MÀU SẮC TRONG THIẾT KẾ

Mỗi màu sắc khác nhau kể về những câu chuyện khác nhau và mang những ý nghĩa khác nhau. Nhắc đến màu tím, chúng ta thường liên tưởng đến những thiết kế thiên về cá nhân, màu cam liên quan đến hoạt động, màu xanh lá cây gợi lên hình ảnh của thiên nhiên… Màu đỏ biểu trưng cho sức mạnh, quyền lực, sự quyết tâm, là màu của cảm xúc, nhiệt huyết, tình yêu, dũng cảm và sự hy sinh. Màu nâu biểu thị cho sự vững bền, chắc chắn, tượng trưng cho nam tính. Màu vàng biểu thị cho sự hạnh phúc, thông thái, mạnh mẽ, cho cảm giác ấm áp, phấn khích, năng động… Do đó, việc lựa chọn đúng, phù hợp màu sắc trong thiết kế cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của một bản tin đồ họa, giúp nội dung bản tin được truyền tải thêm trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa, tăng tính cảm xúc và thu hút mạnh mẽ người xem.
 
Anh 2 2
Những người mới bắt đầu học thiết kế thường có suy nghĩ: “Phải đưa vào thiết kế càng nhiều màu sắc càng tốt. Vì như vậy, sản phẩm thiết kế mới nổi bật, đẹp, ấn tượng, sáng tạo và đem lại hiệu quả cao”. Nhưng trên thực tế, đó là quan điểm sai lầm. Những thiết kế chuyên nghiệp luôn cho ra những sản phẩm có màu sắc đơn giản nhất, càng đơn giản càng tinh tế, giúp người đọc thẩm thấu hết nội dung, ý nghĩa của từng chi tiết sản phẩm. Nếu sử dụng quá nhiều màu sắc trong một thiết kế​, sẽ khiến thiết kế của chúng ta trông như một mớ bòng bong, rối rắm, thiếu chuyên nghiệp.

Thực tế cho thấy, một hình ảnh sẽ rất khó nhìn, một văn bản sẽ rất khó đọc khi bản thân nó chứa quá nhiều màu sắc. Người đọc sẽ không thể biết đâu là nội dung chính, điểm nhấn của bản tin đồ họa mà chúng ta đang muốn truyền đạt. Do đó, trong thiết kế bản tin đồ họa không nên quá ôm đồm nhiều màu sắc, việc ôm đồm đôi khi trở thành “thảm họa” trong thiết kế. Việc sử dụng quá nhiều màu sắc chỉ nên dành cho những thiết kế trừu tượng hoặc mang tính nghệ thuật cao và đây chắc chắn không phải là đích đến của bản tin đồ họa.

Trong bản tin đồ họa, chúng ta nên tránh sử dụng nhiều màu bão hòa, hay việc sử dụng màu không có sự tương phản. Một sản phẩm thiết kế sử dụng những màu sắc có độ bão hòa cao thường sẽ tạo nên “hiệu ứng rung”. Khi quan sát kĩ những thiết kế này, người xem sẽ thấy chữ hay hình ảnh như đang có sự chuyển động. Và màu điển hình nhất của màu bão hòa chính là màu neon, cho người xem có cảm giác khó chịu, nhanh mỏi mắt.

Trong thiết kế, việc phối hợp các tông màu tương phản lại với nhau là rất cần thiết, giúp cho thiết kế của chúng ta trở nên dễ nhìn, dễ đọc văn bản và từ đó độc giả sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin mà chúng ta muốn truyền tải thông điệp. Nếu thiết kế không có sự tương phản giữa nền với chữ và hình ảnh, hay giữa các yếu tố khác với nhau thì sản phẩm rất có thể sẽ thất bại, không được chấp nhận từ độc giả. Có rất nhiều cách kết hợp màu sắc để có độ tương phản cao như: Chữ màu đen kết hợp trên nền trắng hoặc gam màu sáng; chữ màu cam hoặc đỏ trên nền trắng; chữ màu trắng trên nền xanh lam hoặc màu cam; chữ màu vàng trên nền đen hoặc nâu…
 
Trong bài tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu: Các bước thiết kế của một bản tin đồ họa./.

Tác giả: Bản quyền của Duyên Đỗ

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://duyen93.com là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây