DUYÊN 93
Chủ nhật - 22/09/2024 06:30

Canh thụt

"Canh thụt" là món ăn truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước như: người S’tiêng, M’nông... Món canh này vừa mang triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, vừa là món ăn ngon, đậm chất dinh dưỡng. Đây không chỉ là món ăn hằng ngày, còn là thức ăn chính trong các lễ hội truyền thống của bà con.
 
Ngoài hương vị ngon lạ của món canh này, cách chế biến độc đáo của nó cũng là điều khá hấp dẫn, khiến các du khách phương xa đều muốn khám phá, thưởng thức khi có dịp đến với Bình Phước.
 
Nguyên liệu chính của món canh này là những thực phẩm có sẵn, gần gũi với đời sống hằng ngày của bà con như thịt, cá, tôm, tép, cua nhỏ... và các loại rau rừng như đọt mây, lá nhíp, măng rừng, cà đắng - một loại cà mọc hoang trên rừng, quả nhỏ, có vị đắng khi chín, còn xanh thì ngọt. Hay các loại rau phổ biến như bầu, bí, mướp, lá ớt... Nếu nấu với da trâu, da bò khô, hoặc cá khô thì phải nướng cho mềm, đọt mây được tước vỏ và bẻ thành từng đoạn nhỏ trước khi bỏ vào ống nấu. Các gia vị kèm theo là mắm, ớt, muối, hoặc bột ngọt.

Vật dụng để chế biến canh thụt là các loại ống tre, nứa hoặc lồ ô, trong độ bánh tẻ (không già không non), để khi nấu không bị nứt, vỡ ống và có mùi thơm. Ống có độ dài khoảng 80cm đến 01m. Một đầu đốt tre được giữ lại làm đáy ống, còn đầu kia cắt bỏ để làm miệng ống cho nguyên liệu vào, không được đậy miệng ống trong khi nấu.

Canh thụt khi nấu dùng lửa ngọn liu riu của than hồng để ống không bị cháy, để nguyên liệu chín đều, nhuyễn và không bị trào nước ra miệng ống. Khi nấu, cho tất cả các nguyên liệu vào ống và dựng nghiêng ống trên bếp lửa. Khi chín, thụt các nguyên liệu này thật nhuyễn, cho chúng hòa quyện vào nhau. Đây cũng chính là lý do người ta gọi nó là “canh thụt”. Tùy vào sức nóng của lửa than, khoảng 45 phút đến một giờ đồng hồ thì món canh sẽ chín đều và thơm.

Canh thụt ăn với cơm rất ngon, ngon nhất là ăn cùng với cá trê, hoặc cá lóc nướng. Khi thưởng thức, chúng ta sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị của núi rừng: đắng, cay, ngọt, bùi. Những đọt mây thơm ngậy, có vị đăng đắng nơi cổ họng, hòa quyện với vị ngọt béo của thịt heo hoặc cá, cùng với vị béo bùi của lá nhíp, vị the đắng của cà rừng, mùi thơm đặc trưng của lồ ô, hay tre, nứa bánh tẻ…
 
Tất cả tạo nên một hương vị canh tổng hợp, lạ miệng, mang đặc trưng riêng, bình dị mà du khách không thể nào quên./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://duyen93.com là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây